Không chỉ riêng tiếng Anh, quá trình học bất kỳ một ngoại ngữ nào cũng đều được phát triển dựa trên mục tiêu: Khả năng xử lý đầu vào (Input) và đầu ra (Output)
Trong đó:
- Input (Đầu vào) là những âm thanh, hình ảnh, ký tự mà bạn tiếp nhận từ bên ngoài. Input tiếp cận ta thông qua hành vi Nghe và Đọc.
- Output (Đầu ra) là những lời nói, bài viết, ký tự mà bạn thể hiện ra bên ngoài. Output thường xuất hiện cùng hành vi Nói và Viết.
Nói cách khác thì “muốn có ra thì phải có vào”. Nhiều người học thường phạm phải sai lầm khi chỉ tập trung vào Output, đồng nghĩa với việc chỉ học kỹ năng Nói/ Viết, hoặc ngay lập tức học kỹ năng và bỏ qua phần kiến thức nền tảng. Tuy nhiên, cách học ấy sẽ dễ dẫn đến tình trạng mất căn bản và hổng kiến thức sau một thời gian học, cũng như gây khó khăn và nản chí cho chính bản thân người học. Sai lầm ở đây chính là do người học quên mất mình rằng chỉ khi có đủ “nguyên liệu” thì quá trình sản xuất mới có thể diễn ra. Từ đó, ta có thể nhận ra ba nguyên tắc căn bản trong quá trình học ngôn ngữ:
- Học kiến thức nền tảng trước, rèn luyện kỹ năng sau.
- Trau dồi nghe – đọc trước, rèn luyện nói – viết sau.
- Học và phát triển đồng đều tất cả các kỹ năng.
Theo giáo sư Stephen Krashen, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ học nổi tiếng tại Hoa Kỳ, vốn kiến thức và kỹ năng đầu vào chính là yếu tố quyết định trong quá trình học ngôn ngữ. Đồng thời tất cả những phương pháp học khác dù là phương pháp truyền thống, phương pháp hiện đại,... đều dựa trên nguyên tắc Đầu vào – đầu ra này.